Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Thần Khúc - Địa Ngục - Khúc 4


KHÚC IV

Tầng Địa ngục thứ nhất – Những hồn trẻ nhỏ và những vĩ nhân chưa qua phép rửa tội.

Cơn mê ngủ ở trong tôi đứt quãng
Tri giác phục hồi sau tiếng sét vang
Như một người bị thức bằng sức mạnh.

4    Đảo cặp mắt vừa được nghỉ, nhìn quanh
Tôi đứng thẳng và mắt nhìn chằm chặp
Cố hiểu ra nơi đang ở của mình.

7    Hai chúng tôi đang đứng trên bờ vực
Thung lũng thảm sầu ở dưới bàn chân
Nơi có vô vàn tiếng kêu khủng khiếp.

10  Vực thẳm sâu, vực mờ mịt, đen ngòm
Tôi chăm chú nhìn xuống sâu tận đáy
Nhưng tất cả đều mờ mịt, tối đen.

13  “Giờ ta xuống thế giới mù phía dưới
Ta đi đầu, còn con đi thứ hai”.
Mặt Thầy tái mét khi Thầy nói vậy.

16  Tôi nói, khi nhìn nét mặt Thầy tôi:
“Con đi sao nổi, nếu Thầy cũng sợ
Thầy cũng kinh hoàng, biết dựa vào ai?”

19  Thầy bảo: “Cực hình của hồn đau khổ
Đã truyền cả sang gương mặt của ta
Nỗi đau khổ con nhầm là nỗi sợ.

22  Ta đi thôi, đang giục giã đường xa”.
Thầy bước xuống và tôi theo Thầy bước
Vào vòng thứ nhất, vực thẳm đang chờ.

25  Ở đó những gì mà tôi nghe được
Không phải tiếng kêu mà tiếng thở dài
Làm xáo động bầu không gian vạn kiếp.

28  Nó từ nỗi đau không bị cực hình
Của đám âm hồn vô cùng đông đúc
Có cả trẻ con, đàn bà, đàn ông.

31  “Sao con không hỏi – Thầy tôi bỗng nhắc –
Họ là ai, trú ẩn những linh hồn
Ta muốn con tỏ tường khi bước tiếp.

34  Họ không phải là những kẻ lỗi lầm
Công tích không nhiều nhưng mà cũng có
Nhưng chưa qua rửa tội cửa Đức Tin.

37  Họ sống trước khi đạo Kitô có
Không biết tôn thờ Đức Chúa như cần
Ta cũng là một người trong bọn họ.

40  Vì khiếm khuyết đó, ta bị bỏ quên
Và ở đây ta chịu điều xét đoán
Mất hy vọng và cứ sống khát thèm”.

43  Lồng ngực tôi thắt lại vì đau đớn
Nghe thấy tin có không ít vĩ nhân
Chốn Minh phủ phải chịu nhiều cay đắng.

46  “Hãy cho con hay, chúa tể của con –
Tôi hỏi Thầy vì muốn cho vững dạ –
Về Đức Tin đã thắng mọi sai lầm.

49  Có phải nơi này không ai thoát cả
Nhờ công mình hay ai chuộc cho nhau?”
Thầy hiểu ngay những lời tôi nói đó.

52  Thầy trả lời: “Ta cũng tới chưa lâu
Ta đã thấy có một Ngài chúa tể
Với vòng hào quang chói lọi trên đầu.

55  Ngài đưa khỏi đêm anh hồn thuỷ tổ
Con trai Aben và cả Nôê
Và Môisê, luật gia, người coi giữ.

58  Vua Đavít, trưởng lão Abờraham
Ítxaraen, cha của ông và con nhỏ
Cả nàng Rakelê cũng được ưu tiên.

61  Nhiều người khác cũng được ban ân huệ
Trước họ chưa từng cứu rỗi một ai
Họ trở thành những người đầu tiên đó”.

64  Thầy vẫn nói nhưng không dừng bước chân
Chúng tôi đi qua một khu rừng lớn
Tôi thấy đây chật ních những âm hồn.

67  Và tôi thấy từ nơi xa xôi lắm
Có một vầng ánh sáng trước mặt tôi
Nửa bầu trời đen bỗng nhiên toả sáng.

70  Dù ánh sáng không ở gần chúng tôi
Tôi nhìn thấy một đoàn đông đúc lắm
Hẳn những người đáng kính ở nơi này.

73  “Hỡi người vinh dự của thơ ca, khoa học
Họ là ai mà lại được tôn vinh
Số phận họ sao khác xa người khác?”

76  Thầy đáp: “Tiếng tăm của họ lẫy lừng
Còn vang mãi trong cuộc đời dương thế
Nên Chúa Trời nhiều ân huệ đã ban”.

79  Ngay lúc này, tôi nghe ai đó nói:
“Nhà thơ cao cả nhất hãy tôn vinh!
Bóng của nhà thơ nay đà quay lại”.

82  Tôi nhìn Thầy, khi dứt những lời trên
Đến trước chúng tôi bốn người vĩ đại
Nét mặt không vui mà cũng chẳng buồn.

85  “Con hãy nhìn – người Thầy nhân hậu bảo –
Người đang cầm chiếc kiếm trong tay kia
Dẫn đầu ba vị như vì vương giả.

88  Nhà thơ tối thượng, chính là Hômer
Tiếp theo – Hôrát, nhà thơ trào phúng
Ôviđiô thứ ba, và sau nữa – Lucanô.

91  Mỗi người danh hiệu với ta đều xứng
Lời vang lên, ta một chút bước lên
Tôn vinh họ, và tất nhiên, ta đúng”.

94  Trước mắt tôi tuyệt mỹ một tao đàn
Vị chúa tể với bài ca bất tử
Như đại bàng bay lượn giữa trời xanh.

97  Thầy tôi gặp và chuyện trò với họ
Rồi quay về tôi làm dấu cúi chào
Và Thầy mỉm cười với tôi khi đó.

100 Họ ban cho tôi vinh dự lớn lao
Tôi được đứng trong tao đàn của họ
Người thứ sáu trong các bậc thanh cao.

103 Chúng tôi đi đến tận vùng sáng tỏ
Muốn nói lời mà nín lặng càng hay
Nhưng cũng hay nếu chuyện trò nơi đó.

106 Trước mắt tôi hiện ra một lâu đài
Có bảy lớp thành, tường cao chất ngất
Và một dòng sông xinh đẹp bao vây.

109 Chúng tôi qua sông như đi trên đất
Qua bảy cánh cổng đến nhóm đại hiền
Một thảm cỏ xanh hiện ra trước mặt.

112 Những vị đó rất điềm đạm, trang nghiêm
Dáng vẻ bề ngoài uy nghi, oai vệ
Lời họ khoan thai, chậm rãi vang lên.

115 Chúng tôi bước lên một khu đồi nhỏ
Một vùng cao tươi mát, sáng, dịu êm
Cho phép chúng tôi nhìn ra tất cả.

118 Ở đó, trên nền ngọc bích màu xanh
Đã hiện lên những anh hồn cao cả
Mắt thoạt nhìn đã phấn khích trong tim.

121 Tôi thấy Eletơra và đàn cháu nhỏ
Trong số họ có Hécto và Ênêa
Xêda đeo gươm đôi mắt rực lửa.

124 Tôi thấy Cammila, Pantaxilêa
Và vua Latinô xa hơn một chút
Ngồi bên cạnh công chúa Lavina.

127 Bờrutô, người cho Táckinô hạ bệ
Lucờrêxia, Giulia, Mácxia, Coócnilia
Và Xalađinô một mình riêng lẻ.

130 Sau đó ngước mắt một chút nhìn lên
Thấy vị Tôn sư mọi người biết đến
Giữa quây quần triết học một gia đình.

133 Tất cả hướng về tỏ lòng tôn kính
Người ngồi gần nhất và trước mọi người
Tiếp đến Xôcrát, Platôn đáng kính.

136 Có Đêmôcrít nổi tiếng khắp nơi
Anaxagô, Talê, Điôgiênét
Empêđôclét, Hêraclít, Zênônê.

139 Tôi thấy người đi sưu tầm thảo dược
Điátcôriđê và thấy Oócphêô
Tuliô, Linô và Xênêca – nhà đạo đức.

142 Nhà hình học Ơcơlít và Tôlômêô
Avixena, Galen và Ipôcrát
Avêôít, nhà bình luận tài ba.

145 Tên mọi người không thể nào kể hết
Tôi cần nêu nhanh chóng tên mọi người
Thường lời nói không thể nêu hết việc.

148 Giờ nhóm sáu người chỉ còn lại hai
Nhà hiền triết dẫn tôi đi hướng khác
Rời lặng yên vào xao động khôn nguôi

151 Chúng tôi đi vào một nơi tối mịt.


CHÚ THÍCH

KHÚC IV

24. Vào vòng thứ nhất - đây là Lâm bô (Limbo), theo thần học của Giáo hội Công giáo, là nơi gần kề bên Địa ngục, nơi trú ẩn của những linh hồn ngoan đạo trong Cựu Ước và những người chết t khi chưa ra đời hoặc còn nhỏ, chưa qua phép rửa tội. Dante đặt vào đây cả những bậc đại hiền không theo đạo Thiên Chúa.
37-39. Đạo Kitô - tức đạo Thiên Chúa. Virgilio chết năm 19 tr. CN vào ngục Limbus khoảng nửa thế kỷ trước khi Giêsu chết và hồi sinh.
53. Ta đã thấy có một Ngài chúa tể - chỉ Đức Chúa Giêsu.
55. Anh hồn thuỷ tổ - chỉ Adam, người đầu tiên theo Kinh Thánh.
56. Con trai Aben và cả Nôê - Abel, con Adam; Noé, người theo ý Chúa Trời đã đóng thuyền chở vợ con và các loài vật khi xảy ra nạn hồng thuỷ.
57. Và Môsê - Mosè, người giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập, được Chúa Trời ban cho bộ luật Do Thái.
58. Vua Đavít, trưởng lão Abờraham - David, vua Do Thái; Abraham, Trưởng lão Do Thái.
59. Ítxaraen - Israel, tức Giacobbe; Rachele, vợ Giacobbe.
88-90. Nhà thơ tối thượng - chỉ  Omero (Homer), nhà thơ Hy Lạp cổ đại, người được coi là tác giả của “Iliat” và “Odyssey”; Orazio (Horace) (65 - 8 tr. CN), nhà thơ La Mã cổ đại; Ovidio (Ovid) (43 tr. CN - 18 sau CN), nhà thơ La Mã; Lucano (39 - 65) - nhà thơ La Mã. Bốn nhà thơ cổ đại mà Dante gọi là “bốn người vĩ đại” (câu 83). Trong bốn nhà thơ này thì Omero là nhà thơ mà Dante chưa thể đọc được vì Dante không biết tiếng Hy Lạp, còn bản dịch ra tiếng Latinh hồi này chưa có, mặc dù vậy, ông vẫn gọi Omero là “nhà thơ tối thượng”, gọi Orazio là “nhà thơ trào phúng”. Còn Ovidio và Lucano thì Thần khúc sử dụng rất nhiều sự tích từ tác phẩm của hai nhà thơ này, đặc biệt là tác phẩm “Metamorphoses” của Ovidio.
121-144. Dante tiếp tục gặp những nhân vật sau: Eletra (Electra), người yêu của thần Dớt, mẹ của Dardano, người lập thành Tơroa; Ettòr (Hector), con trai vua Priamo và Ecuba, anh hùng Tơroa; Cammilla và Pantasilea, những nhân vật trong thiên anh hùng ca “Eneide” của Virgilio; Latino, vua của Latium, cha của Lavina. Lavina là vợ của Enea; Bruto, lãnh chúa đầu tiên của cộng hoà La Mã, người đã hạ bệ vua Tarquino năm 509 tr. CN, thiết lập chế độ cộng hoà (không phải Bruto, người giết Cesare ở câu 65 khúc XXXIV); Lucrezia, Iulia, Marzia, Corniglia - bốn gương mặt phụ nữ đại diện cho đức hạnh La Mã; Saladino (1138-1193), quốc vương Ai Cập và Syria, Saladino “một mình riêng lẻ” vì ông thuộc về nền văn hóa khác; vị Tôn sư là Aristotele (384-322 tr. CN), nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Socrate (469-399 tr. CN), nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Platone (427-347 tr. CN), nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Dimocrito (460-370 tr. CN), nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Anassagora (500-428 tr. CN), nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Tale (625-546 tr. CN), nhà toán học, triết học Hy Lạp cổ đại; Diogenes (413-327), nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Empedocles (thế kỷ VI tr. CN), nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Zenone (335-264 tr. CN), nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Eraclito (540-480 tr. CN), nhà triết học Hy Lạp cổ đại; Diascoride (thế kỷ I sau CN), thầy thuốc Hy Lạp cổ đại; Orfeo, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà tiên tri Hy Lạp cổ đại; Tulio (106-43 tr. CN), nhà hùng biện La Mã cổ đại; Lino, nhà thơ thần thoại Hy Lạp cổ đại;  Seneca (4 tr. CN-64 sau CN), nhà triết học La Mã cổ đại; Euclide (thế kỷ III tr. CN), nhà toán học của Alexandria, Ai Cập; Tolemeo (thế kỷ II ), nhà toán học, thiên văn học Hy Lạp cổ đại; Ipocrate (460-377 tr. CN), danh y Hy Lạp cổ đại; Galieno (thế kỷ II) danh y Hy Lạp cổ đại; Avicenna (Ibn Sina) (980-1037), nhà triết học Arập; Averois (1126-1198), nhà triết học, danh y Arập, người bình luận triết học Aristotle hay nổi tiếng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét